Ông bà lặn lội lên đồi dò sóng 4G dựng chòi cho cháu học online

[ad_1]

Hai ông bà nội dựng chòi trên đỉnh đồi cho em Triệu Văn Tài (lớp 5C, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) học online – Video: TRIỆU VĂN TÀI

Clip ghi lại cảnh trên được các thầy giáo Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 5C, cho biết clip do chính em Triệu Văn Tài (lớp 5C, dân tộc Dao) ghi lại trong lúc ông bà nội dựng chòi cho em học.

Ngày 15-9, ngay sau khi nhận được tin cháu phải học online, ông Triệu Sinh Hương (ông nội của Tài) cùng vợ dùng điện thoại đi dò khắp các quả đồi xung quanh để “tìm sóng”. Điểm cuối cùng mà ông Hương tìm được là một quả đồi cách nhà 400m.

Do quả đồi thuộc phần đất của hàng xóm nên hai ông bà lại phải cất công sang xin được dựng một chiếc chòi nhỏ và được hàng xóm đồng ý. 

Hai ông bà cùng dì của Tài cặm cụi vừa đào đất vừa lợp mái. Sau 2 ngày, chiếc chòi được dựng lên từ gỗ tạp và một số tấm bạt nhỏ cũng hoàn thành.

Ông Hương cho biết sau khi dựng xong chiếc chòi, Tài đã rất vui vì không phải đi học nhờ ở nhà bạn. Nhà của ông Hương cách điểm trường gần nhất tới 9km, bốn phía xung quanh cũng không có mấy nhà dân sinh sống. Đến tận bây giờ cả gia đình vẫn phải dùng điện ăcquy vì vùng này chưa có điện lưới quốc gia.

Ông bà lặn lội lên đồi dò sóng 4G dựng chòi cho cháu học online - Ảnh 2.

Chiếc chòi được ông bà của Tài dựng trên một quả đồi cách nhà 400m – Ảnh: TRIỆU SINH HƯƠNG

Tài sống với ông bà từ nhỏ. Vừa qua, khi biết cháu không thể đến trường, ông nội Tài đã quyết định mua một chiếc điện thoại cho em học online.

Tiền mua điện thoại được trường hỗ trợ các em học sinh nhà xa. Từ khi nhận được tiền, hai ông bà dù phải nhịn ăn, nhịn mặc nhưng cũng không dám tiêu vào tiền của cháu, để dành cho việc học. Chiếc điện thoại ông Hương mua hết 2,1 triệu đồng, vừa đủ các chức năng cho cháu học.

Ông Hương cho biết gia đình trồng được 5 sào điều. Năm vừa rồi mất mùa, cả năm mấy ông cháu chỉ thu được 3 triệu đồng. Hằng ngày ông Hương cùng vợ phải đi nhặt hạt điều thuê trên các rẫy của người dân để kiếm tiền.

Trước mắt, điều phải lo với ông Hương là mỗi tháng phải tiết kiệm cố đóng 120.000 đồng tiền mạng cho cháu không bỏ dở việc học. 

“Đời ông bà, bố mẹ của cháu không được học, không biết chữ nên làm không được việc gì. Giờ đến cháu phải cố, dù có vay mượn cũng phải cho cháu học để sau này cháu làm việc tốt, có tiền, tự lo cho bản thân”, ông Hương tâm sự.

Ông bà lặn lội lên đồi dò sóng 4G dựng chòi cho cháu học online - Ảnh 3.

Ông bà nội của Triệu Văn Tài trong căn chòi vừa dựng trên đỉnh đồi – Ảnh: V.T.

“Các em làm quen công nghệ rất nhanh”

Thầy Nguyễn Văn Thủy, giáo viên chủ nhiệm của em Tài, cho biết ở bon Điềng Đu – điểm trường xa nhất xã – có không ít hoàn cảnh như em Tài. Hiện nay có 32/33 học sinh của lớp học online.

Phần lớn các em trong lớp của thầy Thủy phải học chung máy tính hoặc điện thoại của nhau. 3 – 4 em ở gần nhà nhau cùng học chung một máy tính. Hầu hết các em phải học bằng sóng 4G.

Cũng vì hạn chế này, nên mỗi ngày thầy Thủy chỉ dạy được 2 tiếng từ 8h – 10h sáng. “Do các em học bằng 4G, dung lượng hạn chế nên muốn cố dạy quá 2 tiếng cũng không được. Số giờ học giảm thì buộc phải tăng tiết. Lẽ ra một tuần chỉ dạy 3 buổi thì chúng tôi phải dạy 4 buổi, dạy thêm cả thứ bảy để các em không bị dở dang việc học”, thầy Thủy chia sẻ.

Theo thầy Thủy, dù trường có phổ biến bằng hình thức giao phiếu cho các em không có điều kiện học online nhưng thực tế rất khó thực hiện. Do các em học sinh phần lớn là dân tộc thiểu số nên phải có giáo viên hướng dẫn. Những ngày qua thầy Thủy đã tổ chức dạy được 3 buổi thử nghiệm.

“May mắn các em nhỏ nhưng làm quen với công nghệ rất nhanh. Hiện tôi đã hướng dẫn được các em học qua phần mềm. Chỉ mong sóng ổn định để thầy trò cố học vượt qua giai đoạn khó khăn này”, thầy Thủy nói.

[ad_2]
Công nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi tư vấn 026.9999.1998